Mắc chứng nghiến răng khi ngủ điều trị như thế nào?

9 tháng trước
936 lượt view

Tật ngủ nghiến răng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý răng miệng. Điều trị chứng Nghiến răng khi ngủ như thế nào, mời bạn đọc tìm hiểu trong bài viết này để kịp thời phòng tránh và chữa trị hiệu quả hơn.

Nghiến răng khi ngủ là gì?

Nghiến răng khi ngủ thực chất là một chứng bệnh. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên và kéo dài sẽ gây ra phiền phức cho người ngủ cùng. Đồng thời, nó gây tổn thương cho răng miệng của bạn và các biến chứng nguy hiểm khác.

Mắc chứng nghiến răng khi ngủ điều trị như thế nào? 0

Nghiến răng khi ngủ là một chứng bệnh gây nên sự khó chịu cho người khác

Ngủ nghiến răng là tình trạng hai hàm răng bị ghì lại và nghiến chặt tạo áp lực và phát ra âm thanh ken két. Một người mắc chứng nghiến răng có thể nghiến răng vô thức khi thức hoặc nghiến răng khi ngủ.

Nghiến răng khi đang ngủ được coi là hội chứng rối loạn vận động liên quan tới giấc ngủ. Người bệnh có thể mắc một số chứng rối loạn giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ hoặc ngáy.

Nếu bạn nghiến răng ở mức độ nhẹ sẽ không cần phải điều trị. Tuy nhiên, đối với trường hợp thường xuyên nghiến răng khi ngủ và ở mức độ nặng có thể gây đau đầu, tổn thương răng hàm và nhiều vấn đề khác.

Những dấu hiệu của chứng nghiến răng khi ngủ

Nếu bạn nhận thấy một số dấu hiệu sau đây rất có thể bạn bị chứng nghiến răng khi ngủ:

Mắc chứng nghiến răng khi ngủ điều trị như thế nào? 1

Nghiến răng khi ngủ sẽ gây nên những tiếng kêu khó chịu

  • Răng siết chặt và nghiến vào nhau, phát ra tiếng ken két

  • Răng bị bào mòn, sứt mẻ và dễ lung lay

  • Răng bị đau buốt, nhạy cảm

  • Men răng mất đi để lộ ra lớp răng sâu bên trong

  • Đau nhức cơ hàm, cổ và mặt

  • Hàm kém linh hoạt, hay bị mỏi hàm

  • Xuất hiện cảm giác đau tai

  • Hay đau đầu

  • Má bị tổn thương khi nhai

  • Chất lượng giấc ngủ kém

Nguyên nhân nghiến răng khi ngủ

Tình trạng nghiến răng khi ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm các yếu tố tâm lý, vật lý và di truyền:

Mắc chứng nghiến răng khi ngủ điều trị như thế nào? 2

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng nghiến răng khi ngủ

  • Cảm xúc lo lắng, hồi hộp, tức giận, căng thẳng

  • Nhai kích động khi đang ngủ

  • Nghiến răng khi quá tập trung

  • Rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ

Những yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng nghiến răng khi ngủ:

  • Tuổi tác: hội chứng này gặp nhiều ở trẻ em và thường biến mất khi trưởng thành

  • Di truyền: Những người có người thân trong gia đình mắc hội chứng nghiến răng khi ngủ thường có nguy cơ bị cao hơn.

  • Căng thẳng: tâm trạng hay căng thẳng,lo lắng sẽ dẫn tới nghiến răng khi ngủ

  • Tính cách: người có tính cách dễ kích động, mạnh mẽ thường có nguy cơ nghiến răng khi ngủ cao hơn

  • Dùng thuốc và chất kích thích: một số loại thuốc điều trị tâm thần có thể gây tác dụng như ngủ nghiến răng. Đồ uống như rượu bia, caffeine hoặc hút thuốc là các chất kích thích dẫn đến hội chứng này.

  • Hội chứng rối loạn: một số bệnh lý như bệnh Parkinson, trào ngược dạ dày thực quản, mất trí nhớ, động kinh, rối loạn giấc ngủ, tăng động là những nguyên nhân dẫn đến chứng nghiến răng

Để xác định nguyên nhân dẫn đến nghiến răng khi ngủ, bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi cho bệnh nhân về các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trong đó bao gồm sức khỏe răng miệng, thói quen sinh hoạt ngủ nghỉ hàng ngày, loại thuốc đang dùng. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ của chứng nghiến răng khi ngủ. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được kiểm tra thểm:

  • Những vấn đề bất thường của răng miệng

  • Mức độ đau nhức của cơ hàm

  • Chụp X-quang để kiểm tra các tổn thương răng miệng, tổn thương xương bên dưới và bên trong má

Khám nha khoa sẽ giúp bạn phát hiện các rối loạn khác như chứng đau tai, đau hàm, rối loạn thái dương hàm. Đồng thời, bác sĩ có thể kiểm tra những vấn đề khác của răng và nắm bắt tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh.

Chứng nghiến răng khi ngủ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Hầu hết các trường hợp liên quan đến chứng nghiến răng khi ngủ không gây ra biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể dẫn đến các ảnh hưởng sau đây:

Mắc chứng nghiến răng khi ngủ điều trị như thế nào? 3

Chứng nghiến răng ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe

  • Tổn thương răng hàm

  • Đau cơ mặt và hàm nặng

  • Biến dạng khuôn mặt

  • Hay đau nhức đầu

  • Gãy răng, mòn răng

  • Làm cho hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm trở nên nghiêm trọng hơn

Phương pháp điều trị chứng nghiến răng khi ngủ

Tùy theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của chứng nghiến răng mà bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Đến phòng khám nha khoa

Trong trường hợp, nghiến răng khi ngủ liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ, bạn có thể đến gặp các chuyên gia về giấc ngủ để được tư vấn cụ thể hơn. Chuyên gia có thể kiểm tra sức khỏe để xác định xem bạn có bị ngưng thở khi ngủ không và mức độ nghiến răng như thế nào.

Mắc chứng nghiến răng khi ngủ điều trị như thế nào? 4

Nên đến gặp bác sĩ để điều trị tình trạng nghiến răng

Nếu bạn gặp các vấn đề về tâm lý như lo âu, căng thẳng thường xuyên dẫn đến tình trạng nghiến răng, hãy đến gặp các bác sĩ chuyên về tâm lý hoặc chuyên gia tư vấn. Trước khi thăm khám và kiểm tra các vấn đề liên quan đến chứng nghiến răng, bạn cần chuẩn bị một số việc như sau:

  • Tổng quát về tình trạng sức khỏe của bạn trước đây và những vấn đề liên quan đến chứng bệnh nghiến răng trong lúc ngủ

  • Cung cấp các thông tin về triệu chứng mà bạn gặp phải, bao gồm các dấu hiệu ít liên quan đến hội chứng nghiến răng. Ví dụ bạn hay bị đau mỏi cơ hàm vào thời điểm như sau khi thức dậy cũng cần phải ghi chép lại.

  • Các thông tin cá nhân cơ bản kể cả những thay đổi trong thói quen sinh hoạt, hay bị căng thẳng, lo lắng

  • Tất cả loại thuốc bạn đã sử dụng bao gồm thuốc không kê đơn, Thảo dược, thuốc bổ sung dưỡng chất, các loại vitamin cùng với thời gian và liều lượng sử dụng những loại thuốc này.

Ngoài ra, bạn cần phải trả lời một số câu hỏi dưới đây của bác sĩ, chẳng hạn như:

  • Những triệu chứng bắt đầu khi nào?

  • Những triệu chứng thường xuyên xảy ra hay xuất hiện với tần suất ít?

  • Có gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng không?

  • Có triệu chứng nào đã được cải thiện không?

  • Những yếu tố nào có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn ?

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chuẩn bị các câu hỏi để hỏi nha sĩ hoặc bác sĩ. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể tham khảo:

  • Tôi có phải xét nghiệm gì hay không?

  • Nguyên nhân nào có thể dẫn đến các triệu chứng tôi của tôi?

  • Tình trạng nghiến răng là tạm thời hay lâu dài?

  • Phương điều trị phù hợp và hiệu quả nhất là gì

  • Có liệu pháp điều trị thay thế nào khác ngoài liệu pháp điều trị chính hay không?

  • Tôi có nên đến gặp chuyên gia không?

  • Có loại thuốc nào khác thay thế cho thuốc mà bác sĩ đang kê đơn không?

  • Tôi có thể tìm thêm thông tin về sức khỏe của mình ở đâu?

Nhờ sự can thiệp của nha khoa

Những người bị mắc chứng ngủ nghiến răng bao gồm người lớn và trẻ em, bác sĩ có thể đề xuất giải pháp bảo vệ và cải thiện sức khỏe răng miệng hiệu quả. Mặc dù những phương pháp này có thể phòng ngừa hoặc điều chỉnh tình trạng mài mòn răng tuy nhiên chứng nghiến răng khi ngủ của người bệnh có thể vẫn sẽ không được ngăn chặn hoàn toàn. Các biện pháp can thiệp nha khoa bao gồm:

  • Dụng cụ bảo vệ hàm: Dụng cụ này có tác dụng giữ cho hai hàm răng tách nhau ra, tránh các tổn thương do răng gây ra khi chúng nghiến, siết hoặc ghì. Nó có thể được làm bằng vật liệu mềm hoặc acrylic cứng, thích hợp dùng cho răng ở hàm trên và hàm dưới của người bệnh.

  • Chỉnh nha: Nếu đeo nẹp răng cản trở khả năng ăn nhai và gây ra hiện tượng ê buốt cho răng của bạn, bác sĩ nha khoa có thể điều chỉnh nha, đặc biệt là bề mặt nhai của răng để khắc phục các tổn thương trên hàm răng.

Điều trị bằng các liệu pháp tâm lý

Một trong những phương pháp có thể giúp chứng nghiến răng khi ngủ được cải thiện tốt hơn là áp dụng các liệu pháp tâm tâm lý. Cụ thể như sau:

  • Hạn chế căng thẳng: Nếu chứng nghiến răng khi ngủ là do hay bị stress, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách thư giãn đầu óc, ví dụ như thiền, tập Yoga. Nếu chứng nghiến răng có liên quan đến lo lắng, bạn có thể tham khảo những lời khuyên từ các bác sĩ tâm lý hoặc nhân viên tư vấn.

  • Thay đổi hành vi: khi biết mình có thói quen nghiến răng khi ngủ, người bệnh có thể thay đổi hành vi bằng cách thực hành các tư thế miệng và hàm phù hợp. Về liệu pháp tâm lý này, bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ và để họ hướng dẫn và chỉ cho bạn vị trí tốt nhất cho miệng và hàm.

  • Phản hồi sinh học: Phương pháp phản hồi sinh học (biofeedback) dành cho những ai gặp khó khăn trong việc thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Những quy trình giám sát và các thiết bị trong phương pháp này sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm soát hoạt động của cơ hàm.

Điều trị bằng các loại thuốc

Trên thực tế, việc sử dụng loại thuốc không đem lại hiệu quả cao trong điều trị và cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác định công dụng thực sự của các loại thuốc này. Các loại thuốc được dùng để điều trị chứng nghiến răng khi ngủ bao gồm:

Mắc chứng nghiến răng khi ngủ điều trị như thế nào? 5

Sử dụng thuốc để điều trị nghiến răng

  • Tiêm Botox: botox là dung dịch được điều chế từ dạng độc tố của vi khuẩn botulinum. Tiêm Botox có thể cải thiện tình trạng ngủ nghiến răng nghiêm trọng và không đáp ứng với các liệu pháp điều trị khác.

  • Dùng thuốc giãn cơ: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh uống thuốc giãn cơ trước khi đi ngủ trong thời gian ngắn.

  • Dùng thuốc giúp kiểm soát lo lắng, chống bệnh trầm cảm: một số loại thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo lắng dành cho người bị chứng nghiến răng có thể được bác sĩ khuyên dùng trong thời gian ngắn. Các loại thuốc này giúp bạn kiểm soát căng thẳng hoặc cảm xúc tốt hơn, đều là nguyên nhân dẫn đến hội chứng nghiến răng khi ngủ.

Khắc phục các nguyên nhân

Dựa trên những nguyên nhân dẫn đến chứng nghiến răng, người bệnh có thể áp dụng các liệu pháp điều trị các rối loạn liên quan.

  • Rối loạn liên quan đến giấc ngủ: điều trị các rối loạn liên quan đến giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ, ngáy có thể cải thiện hội chứng nghiến răng

  • Tác dụng phụ của thuốc: Nếu do tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó, bác sĩ có thể khuyên bạn thay đổi thuốc điều trị hoặc kê đơn loại thuốc khác thay thế.

  • Các vấn đề sức khỏe khác: Nếu nguyên nhân gây ra chứng nghiến răng khi ngủ là do các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, điều trị các vấn đề sức khỏe này có thể giúp cải thiện chứng ngủ nghiến răng.

Cách phòng ngừa chứng nghiến răng khi ngủ hiệu quả

Chứng nghiến răng khi ngủ có thể phòng ngừa bằng cách sử dụng các dụng cụ bảo vệ hàm răng chuyên dụng được nha sĩ cung cấp. Các loại dụng cụ này sẽ vừa với răng và ngăn tình trạng răng nghiến vào nhau.

Thay đổi thói quen ngủ nghỉ hợp lý là cách phòng tránh chứng nghiến răng khi ngủ hiệu quả hơn.

  • Thư giãn cơ thể: tắm nước ấm, đọc sách, nghe nhạc hoặc tập thể dục thể thao có thể giúp bạn giải tỏa tâm lý, cơ thể được thư giãn, sảng khoái và hạn chế nguy cơ nghiến răng khi ngủ.

Mắc chứng nghiến răng khi ngủ điều trị như thế nào? 6

Học cách thư giãn cơ thể để bản thân cảm thấy thoải mái hơn

  • Không sử dụng các chất kích thích: uống cà phê, trà và đồ uống chứa caffeine thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh uống rượu vào buổi tối vì chất kích thích sẽ khiến cho chứng nghiến răng trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Kiểm tra chứng nghiến răng khi ngủ: một giấc Ngủ ngon vào ban đêm có thể giúp bạn giảm chứng nghiến răng và hỗ trợ điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ hiệu quả hơn. Nếu bạn ngủ cùng người khác, hãy nhờ họ kiểm tra xem mình có hay nghiến răng và phát ra âm thanh ken két khi ngủ không để bạn có thể đến bác sĩ khám kịp thời.

  • Khám răng miệng định kỳ: Khám răng là cách tốt nhất để bạn nắm bắt tình hình sức khỏe răng miệng và nhận biết các triệu chứng của việc ngủ nghiến răng. Thông qua khám răng miệng và hàm trong những lần khám và kiểm tra định kỳ, bác sĩ sẽ đánh giá và nhận biết mức độ tình trạng răng miệng của bạn đến đâu.

Nghiến răng khi ngủ có thể tự khỏi trong một số trường hợp nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ và nha sĩ. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, tốt nhất bạn hãy thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng của hội chứng nên đến bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Ngày đăng: 11/08/2023 23:59:26

Bài viết liên quan

Hãy trở thành người đầu tiên thảo luận nào về bài viết Mắc chứng nghiến răng khi ngủ điều trị như thế nào?
936 Lượt view
Bình luận
Đầu trang